Trà Phú Hội – Vùng Đất Thưởng Trà Bình Yên

0
2901

TRÀ PHÚ HỘI – VÙNG ĐẤT THƯỞNG TRÀ BÌNH YÊN

    Trà Phú Hội có những nét đặc trưng riêng, thơm ngon khiến cho người mê trà chỉ cần thưởng thức một lần là khó quên. Vì vậy người trồng trà và ngành chức năng đang cố gắng giữ gìn, khôi phục nghề trồng, sao trà truyền thống này.

Trà Phú Hội nức tiếng vùng đất Đồng Nai

    Nhắc đến vùng đất Nhơn Trạch, Đồng Nai là chúng ta đều nhớ đến miền đất có khoảng trời bình yên êm ả bên dòng sông thơ mộng. Nhờ phù sa bồi đắp quanh năm mà Nhơn Trạch được mẹ thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật quý hiếm, nổi tiếng khắp huyện nhà và các vùng lân cận. Trong số những sản vật quý, hiện nay nhiều người đang săn lùng đó là trà Phú Hội.

    Rất nhiều người sành uống vẫn thường truyền miệng câu nói của ông cha xưa để lại: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội” để ca ngợi về dòng nước quý pha kèm với trà Phú Hội, thơm ngon, đậm đà, thanh khiết. Và họ đã cố gắng sở hữu cho mình đặc sản trà đem về uống hoặc biếu người thân. Loại trà này rất đặc biệt, khi pha lên có vị thơm mát ngọt dịu kèm màu đỏ hổ phách rất đẹp khiến người thưởng trà cảm thấy ấm áp, thoải mái vô cùng.

Nói về trà Phú Hội, Địa chí Đồng Nai ghi là: “Không rõ, trà ở xứ Đồng Nai xuất hiện từ khi nào” còn viện dẫn từ Gia Định thành thông chí lại ghi: “Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon…”. Có thể hiểu trà Phú Hội có xuất xứ từ rất lâu đời và được đánh giá là trà ngon nức tiếng trong vùng và các vùng phụ cận.

Giữ nét xưa bền vững

    Thăm nhà bà Mười Nhĩ, người gắn bó thủy chung với nghề làm trà thủ công hơn 40 năm nay. Bà cho biết xưa nay người Phú Hội chủ yếu trồng trà để bán và nhiều hộ gia đình có những gốc trà hàng chục tuổi hoặc cả trăm tuổi. Trà Phú Hội thường được làm từ đọt tươi, cứ cách 10 ngày thì hái một lần, để héo, vò cho trà săn lại rồi tiếp tục phơi khô. Xưa nay, những nhà vườn ở vùng Phú Hội đều làm trà theo cách thủ công bởi làm thủ công thì trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê. Từ lá trà xanh có thể tạo ra nhiều hương vị khác nhau theo nhu cầu nên người làm trà sẽ ướp trà thêm bông lài, lá sen, lá dứa, bông sen,…

“Đây chính là nét đẹp truyền thống của miền quê Nhơn Trạch nên tôi muốn bản thân và con cháu cố gắng giữ gìn. Mỗi một cọng trà là tâm huyết là tình cảm mà chúng tôi gửi gắm vào đó vị ngọt của quê hương đến với người thưởng thức. Mong là trà vẫn mãi giữ được giá trị sẵn có của mình và ngày càng được nhiều người biết đến”, bà Mười Nhĩ chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay do kinh tế ngày càng phát triển, tại Nhơn Trạch đã có nhiều khu công nghiệp xuất hiện nên người trẻ không còn trồng trà mà chuyển sang làm công nhân. Vì vậy nên người làm trà tại Phú Hội không còn nhiều như xưa nữa và chủ yếu người giữ lại nghề làm trà là những người đã lớn tuổi. Bà Hoàng Thị Hương, người làm trà cho biết người làm trà không còn nhiều nên ai đang giữ lại được vẫn cố giữ lấy nghề.

“Thực tế hiện nay nhiều vườn trà đã không còn nữa đồng thời công nghiệp phát triển, ô nhiễm môi trường khiến nguồn nước Mạch Bà cũng không còn đủ ngọt lành để người dân sử dụng pha trà. Những loại trái cây đặc sản rất ngon để ăn kèm khi uống trà cũng theo công nghiệp hóa mà mất dần diện tích. Nhưng chúng tôi vẫn muốn một số thế hệ sau giữ gìn trà Phú Hội để không ai quên đi sản vật quý này”, bà Hương chia sẻ.

Còn bà Tư Phương, người trồng trà nhiều năm cũng nói rằng trước năm 1975, vùng đất Phú Hội với bạt ngàn vườn, đồi trà. Cây trà được người dân trồng độc canh hoặc xen canh trong các vườn cây ăn trái như chôm chôm, mít, sầu riêng… Thời gian đó, ở Phú Hội có 3 cơ sở chế biến trà quy mô lớn và hàng trăm hộ gia đình rang, ướp trà theo kiểu thủ công. Trà ngày ấy được các thương lái chở về Sài Gòn trao đổi, buôn bán. Nhưng sau này người dân Phú Hội lần lượt bỏ hoang vườn trà hoặc chuyển đất trồng trà sang trồng các cây ăn trái khác nên nghề rang, ướp trà thủ công chỉ được các hộ còn trồng trà duy trì và hoạt động nhỏ lẻ nhằm kiếm thêm thu nhập.

Bà Phương nói: “Trà Phú Hội được chế biến thủ công chưa tẩm ướp hiện có giá 500.000 đồng/kg khô; được tẩm ướp thêm 3 hoặc 4 hương liệu khác thì có giá 600 – 700.000 đồng/kg khô. Dù trà Phú Hội hiện nay có giá trị cao nhưng số lượng trà sản xuất từ các nhà vườn không nhiều. Do đó việc khôi phục lại ổn định nghề làm trà và trồng trà như xưa là điều nên làm”.

Và nhờ vào giá trị cốt lõi của mình, năm 2019 sản phẩm trà Phú Hội được địa phương chọn để thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm với nhiều chính sách hỗ trợ người trồng trà giữ nghề. Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà được thành lập. Từ đó đến nay, nhiều diện tích trà được trồng mới, nghề chế biến trà truyền thống đang dần phục hồi. Đây chính là niềm phấn khởi của rất nhiều người, nhất là người lớn tuổi muốn giữ lại nghề truyền thống, đầy ý nghĩa tốt đẹp này.

Tác giả: Hải Sơn – Song Phương

Nguồn: Báo Pháp Luật Plus

 

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây