Tìm hiểu: Phòng trà phố cổ Hà Thành thế kỷ trước

0
277

Hồi ấy, giữa khu phố cổ xuất hiện một phòng trà thu hút khá nhiều khách hàng, đó là phòng trà Phúc Châu tọa lạc tại 35 phố Tạ Hiện. Đây có phải tên chủ nhân hay không thì chẳng rõ vì đứng quầy chỉ có 2 chị em là cô Mùi và người em gái…

Những phòng trà đầu tiên được xác nhận xuất hiện sau khi nước Việt Nam độc lập năm 1945. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã nhắc đến những phòng trà đầu tiên ra đời quanh Hồ Gươm cuối năm ấy. Trong vòng chưa đầy một cây số quanh Bờ Hồ, những phòng trà là nơi lưu dấu các tên tuổi của tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu
Những phòng trà đầu tiên được xác nhận xuất hiện sau khi nước Việt Nam độc lập năm 1945. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã nhắc đến những phòng trà đầu tiên ra đời quanh Hồ Gươm cuối năm ấy. Trong vòng chưa đầy một cây số quanh Bờ Hồ, những phòng trà là nơi lưu dấu các tên tuổi của tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu

Tụ điểm thượng lưu

Bà Mùi giờ cũng đã ngoài 80 tuổi, quãng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước thì bà nổi tiếng xinh đẹp. Cô em gái nhan sắc cũng hơn người và lọt vào mắt xanh của vô số khách hàng, không ít chàng trai đã đến trồng cây si cả buổi. Khách hàng lui tới phòng trà Phúc Châu thường là các tài tử cải lương, tuồng cổ. Cũng bởi quanh địa bàn này có các rạp Chuông Vàng (phố Hàng Bạc), Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), Hiệp Thành (phố Đào Duy Từ). Sau một đêm trên sân khấu, các tài tử, kép hát hay dậy muộn. Sau khi ăn sáng, họ sẽ lững thững đến phòng trà Phúc Châu. Hồi đó, mấy vị này thường để tóc dài kiểu gọng kính, quầng mắt thâm do thức đêm nhiều. Họ ngồi bên ấm trà nóng mới pha, rút bao thuốc lá thơm loại Cotab hay Bastos rồi lim dim mắt nhả khỏi.

Quán trà của chị em bà Mùi duy trì được vài năm thì nhượng lại cho chủ mới cũng là 2 chị em, nhưng là Việt kiều từ Tân Đảo (trước đây là thuộc địa của Pháp, nay là Cộng hòa Vanuatu) về. Cô chị tên Lê còn cô em là Phai. Từ đó phòng trà Phúc Châu lại được thổi luồng gió mới do phong cách giao tiếp, trang phục thời thượng và nhất là nhan sắc trẻ trung, xinh đẹp của 2 cô chủ mới.

Cũng cần nói thêm rằng, những năm 60 của thế kỷ trước, nhà nước ta có chính sách kêu gọi kiều bào từ Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới (tên gọi trước đây của các quần đảo New Cacedolia thuộc Pháp) hồi hương. Gia đình cô Lê, Phai về đợt đầu và ở lại Hà Nội. Từ khi 2 cô làm chủ phòng trà Phúc Châu thì khách tìm đến còn đông hơn nữa. Thành ra chủ quán phải tuyển thêm 2 cô gái cũng thuộc hàng xinh đẹp có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ là cô Sửu và cô Ngọc để giúp việc.

Quảng cáo phòng trà Hoa Việt cuối năm 1954
Quảng cáo phòng trà Hoa Việt cuối năm 1954

Thương hiệu phòng trà Phúc Châu từ đó bay khắp Hà Nội. Nơi đây tập trung những cái tên của “giới tay chơi” ngày đó như Kiên “Hàng Giấy”, Hùng “Lan Anh”, Hùng “Hàng Cân”, Hùng “đỏ”, Hùng “đen”, Hoan “thọt”, Mão “mèo”, Phúc “xế”… Đây là các “cao bồi” mà thanh niên Hà thành lúc bấy giờ hầu như ai cũng biết tiếng. Sở dĩ gọi các tay chơi này là cao bồi vì hồi ấy dòng phim cao bồi Mỹ bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Thanh niên đua nhau bắt chước ăn mặc theo phong cách các tài tử cao bồi. Đó là quần ống túyp, áo kẻ caro, đeo kính râm, tóc để dài và trong túi áo bao giờ cũng phải có bao thuốc lá thơm loại giấy bạc như Thăng Long, Điện Biên.

Những cái tên cát cứ ở phòng trà Phúc Châu hồi ấy nổi tiếng Hà thành do tiêu tiền không cần đếm, ăn mặc đồ hiệu của Pháp, gia đình họ đều có cửa hàng, cửa hiệu lớn nằm ở các phố trung tâm. Như Hùng “Lan Anh” là một cái tên mà mỗi khi nhắc đến là giới cao bồi phải trầm trồ bởi vẻ đẹp trai, ăn nói nho nhã, tính tình phóng khoáng. Tiệm thời trang Lan Anh của cao bồi Hùng nằm ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng, chuyên bán các đồ hiệu Âu Mỹ có tiếng trong tầng lớp thượng lưu từ thời Pháp thuộc. Hay như Hoan “thọt”, con chủ tiệm vàng trên phố Hàng Bạc. Anh này người bé loắt choắt, chân đi tập tễnh, học hành không đến nơi đến chốn nhưng được gia đình giàu có nuông chiều.

Đời sống thị dân phố cổ

Địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày ấy luôn là tụ điểm ăn chơi sầm uất nhất Hà Nội, tập trung ở các phố Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Hàng Gai, Hàng Buồm, Tạ Hiện, Cầu Gỗ, Mã Mây… Các tiệm ăn của người Hoa về đêm đèn sáng như sao sa, ô tô con đủ loại, xích lô, xe đạp vào ra nhộn nhịp. Mấy quán cà phê có thương hiệu như Nhân (phố Cầu Gỗ), Giảng (phố Hàng Gai), Lâm (phố Nguyễn Hữu Huân) vì thế luôn đông khách vào buổi sáng. Các quán này phần đông tập trung khách có tuổi.

Họ là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… và cả những công chức lưu dung như nhà thầu khoán (xây dựng), nhà dây thép (bưu điện), sở lục lộ (giao thông) và vài thương gia bậc trung sống quanh địa bàn. Họ ngồi đấy nhâm nhi tách cà phê, bàn luận thời sự hoặc mở tờ nhật trình (báo) ra đọc tin tức. Riêng quán cà phê Lâm tập trung rất đông dân hội họa. Cứ sáng ra bước vào đó là đã có thể bắt gặp các họa sĩ tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Lam Sơn (từng là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng các thanh niên trẻ xuất hiện ở những quán cà phê này.

Phòng trà Phúc Châu, ngoài biển hiệu được sơn 4 chữ khiêm tốn treo trước cửa ra vào thì bên trong căn phòng chừng 30m2 là mấy bộ bàn ghế gỗ được kê sát tường. Trong cùng là quầy hàng có tủ kính bày đủ loại bánh kẹo như bánh đậu xanh rồng vàng Hải Dương, kẹo lạc đặc sản Nam Định, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh chả, bánh nướng đặc sản Thiên Hương… Ngăn kính trên bày mấy bao thuốc lá hiệu Thăng Long, Điện Biên, Tam Đảo, Đ’Rao, Sông Hương, Cẩm Thủy. Còn trên mặt quầy đặt mấy lọ thủy tinh đựng trà mạn, bên ngoài dán giấy viết bằng mực đen “chè Đại Từ – Thái Nguyên hảo hạng”, bên cạnh là một dãy khay ấm tách trà. Các bộ ấm tách màu da lươn của phòng trà Phúc Châu được đặt làm từ Bát Tràng. Mỗi khay trà có 5 cái tách. Đằng sau quầy luôn có rất nhiều phích nước sôi Rạng Đông.

Quán Taverne Royale ở phố Đinh Tiên Hoàng năm 1954
Quán Taverne Royale ở phố Đinh Tiên Hoàng năm 1954

Một cô gái sẽ chuyên trách pha trà để khi khách gọi sẽ có một cô khác bê ra kèm bánh, kẹo, thuốc lá theo yêu cầu của từng bàn. Tường quán treo vài bức tranh tĩnh vật vẽ bằng màu nước. Còn bức tường trong cùng, ngay phía trên quầy hàng treo chân dung khổ lớn nữ diễn viên điện ảnh Liên Xô nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ là Guốc-sen-cô. Khách đổ đến đông nhất tầm 8h, phần đông là họ đi bộ, thi thoảng mới có vài chiếc xe đạp dựng trên vỉa hè không người trông. Nhưng không khí phòng trà sẽ nhộn nhịp nhất vào lúc 9h trở đi. Lúc ấy, các cô phải phục vụ luôn chân luôn tay, đã thế còn phải trả lời, cười duyên với vài anh khách thường xuyên trồng cây si.

Mấy công tử đến muộn mặc áo chim cò, quần kaki ống tuýp nổi gân dọc, đi giày moca trắng, tóc để dài chải dầu bóng lộn, miệng phì phèo điếu thuốc thơm. Từ chủ đến nhân viên đều tất tả làm hài lòng mấy khách vip vì sáng nào họ cũng có mặt, khi đứng lên thanh toán thường là bằng 5 – 6 bàn cộng lại, đã thế còn không bao giờ lấy lại tiền thừa. Nhiều khi các cô Ngọc và Sỉu bị các công tử vuốt tay khen xinh khi bê đồ ra, hai nàng vẫn chỉ nhẹ nhàng rụt tay lại mà không dám phản ứng hay thể hiện vẻ khó chịu. Giờ ấy các bàn đều kín khách, không khí phòng trà mỗi lúc một sôi động với những tiếng rì rầm, chuyện trò to nhỏ, thi thoảng lại có vài tiếng cười phá lên. Hai chiếc loa thùng treo góc tường phát ra những giai điệu đầy phấn khích của “La Paloma”, “Hoa Champa”, “Dòng sông Solo”, “Java tươi đẹp”, “Dòng sông xanh”…

Nếu hôm nào mà ngoài trời mưa lạnh thì bên trong phòng trà mịt mù khói thuốc sẽ giống như một câu lạc bộ. Dân chơi đến đó không chỉ thưởng trà, chiêm ngưỡng các cô gái bán quán xinh đẹp mà còn gặp nhau làm quen, kết bạn bên bàn trà. Họ cũng làm nên “mỹ danh” đã từng tồn tại trong đời sống thị dân ở Hà Nội xưa là “cao bồi Phúc Châu”, trái ngược với những “cao bồi già” ở các quán cà phê phố cổ.

Theo Hà Nội mới

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây