Tản Mạn Chè Việt

0
295

Tản mạn trà Việt

Nhân “Ngày chè thế giới” theo đề xuất của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 21.5 hằng năm là ngày chè của nhân loại, tôi xin có mấy dòng về cây chè Việt Nam.

Trước hết, rất cảm ơn TS Trịnh Quang Dũng, một chuyên gia hàng đầu về năng lượng và điện mặt trời tại Việt Nam và quốc tế. Là chuyên gia công nghệ nhưng anh đã nghiên cứu rất sâu về cây chè/trà Việt để viết và xuất bản cuốn sách khá hay, khá nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài – Văn minh trà Việt. Mặc dù còn những tranh luận, cứ liệu, quan điểm chưa nhất trí trong giới sử học, công nghệ, dịch thuật… song cuốn sách này là tư liệu rất quý về cây chè Việt. Nó như một khẳng định rằng người Bách Việt là người phát hiện ra cây chè và cách uống trà của nhân loại. Cảm ơn anh!

Tôi đang chờ anh cho bạn đọc thưởng thức tiếp phần viết về trà olong ở Việt Nam từ thế kỷ 19 mà trong sách của cụ Đặng Văn Thứ có đề cập, cũng như việc du nhập và phát triển loại trà này trong thời kỳ “đổi mới” của đất nước. Có lẽ cũng cần biết thêm, ngoài nghiên cứu, tìm hiểu về trà, anh còn có những hiểu biết khá sâu rộng về phở – món ẩm thực độc đáo của người Việt, thể hiện trong cuốn Phở Việt.

Trong nhiều nghiên cứu, cũng như sách báo còn lưu truyền và ngay trong cuốn Văn minh trà Việt, người ta đã chứng minh rằng người Việt đã tìm thấy trong cuộc mưu sinh của mình cây lúa nước và cây chè rồi thuần hóa gây trồng từ hoang dã trước Công nguyên. Khổng Tử (vào 555 năm trước Công nguyên) đã từng viết: Dân Bách Việt (tổ tiên của người Việt xưa) đã ăn một thứ hạt gọi là gạo và uống một thứ nước từ lá cây chè.

Theo tài liệu khảo cổ học tại một hang động trong rừng Tây Nghệ An, nơi có dấu tích người nguyên thủy, có các hạt quả chè hóa thạch. Dùng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon 14, người ta đã tính được tuổi của các mẫu vật này khoảng 13.500 năm trước. Các vùng núi ở Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… còn khá nhiều quần thể những cây chè cổ thụ tuổi nhiều trăm năm.

Trong các sách cổ cũng không ít trang nói về cây chè và uống chè/trà của người Việt xưa. Bức tranh cổ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ vẽ cảnh đức Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời núi hơn 700 năm trước, trong đoàn võng lọng đưa đón ngài có cảnh tùy tùng khiêng bưng cả ấm trà, khay trà theo. Rồi biết bao tác phẩm văn chương, những bài thơ nổi tiếng về cây chè và tác dụng của uống trà buổi sáng nâng cao sức khỏe, thể hiện tinh túy văn hóa ẩm thực của Việt Nam ta. Chẳng hạn bài thơ tứ tuyệt của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:

Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất tản trà
Nhất nhật cứ như thử
Lương y bất đáo gia

(Tạm dịch: Buổi tối ba chén rượu/Sáng ra uống chén trà/Ngày nào cũng như thế/Thày thuốc không đến nhà).

Cổ nhân cũng có câu “Nhất thiết chư sự tại ư trà”, nhiều chuyện xảy ra ở trên đời bắt đầu từ bàn trà…

Văn hóa uống trà của người Việt cũng thật đa dạng, theo thời gian, theo vùng miền, theo lứa tuổi và cả thời đại nữa. Với những “fan” uống trà thời bao cấp, thời chiến tranh lứa chúng tôi, đó là chén nước chè móc câu Thái Nguyên đậm đặc, còn được gọi rất ấn tượng là nước chè cắm tăm. Nó hơi chát, ngọt hậu, uống kèm với thỏi kẹo lạc, kẹo dồi… rất thú vị. Kiểu uống chè ấy, ngày nay các góc phố, hè phố cổ thủ đô Hà Nội hoặc những đô thị lớn ở miền Bắc vẫn còn. Không gian hẹp, bà bán trà cũ kỹ, nhưng đủ thứ chuyện đời xung quanh ấm trà.

Người dân Hà Nội gốc – Tràng An thanh lịch có thói quen ẩm trà riêng, là uống trà ướp hương hoa. Nhất là trà ướp hương sen hồ Tây rất đặc biệt, rất tinh tế, như muốn thâu tóm hạt sương sớm, gió lộng Tây Hồ linh ứng vào vị hương của trà sen. Người dân xứ Huế cố đô bao triều đại nhà Nguyễn thì nghiện, say mê trà cung đình. Người Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung, thời tiết quanh năm nóng bức nên thường uống trà đá, ngay trong bữa ăn. Giới trẻ thời đại @ – 4.0 công nghệ số lại ghiền trà sữa. Các loại trà túi lọc thương hiệu nổi tiếng thế giới đã vào đất Việt…

Nhiều vùng quê nghèo Bắc Bộ, Trung Bộ… quen uống chè xanh. Hầu như nhà nào cũng trồng vạt chè xanh. Hằng ngày, mỗi sáng, nhà nhà nấu nồi nước chè xanh mới hái tại vườn. Bát chè xanh đặc, thơm, mát, bổ dưỡng vô song, kèm cùng củ khoai củ sắn đồng quê, tạo nên sinh hoạt đầm ấm, râm ran tình nghĩa xóm làng, huynh đệ… Dường như chỉ có Việt Nam ta mới có. Tôi vẫn nhớ như in mẹ tôi vẫn sai anh em tôi hái chè để chờ phiên chợ Quán, chợ Lê, chợ Chòm, chợ Sinh Dược… đem bán. Quê tôi bán chè đong đếm bằng nón. Lạ lắm, thương lắm, yêu lắm chè quê.

Vùng chè Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang… nổi tiếng với chè móc câu, chè một búp ngon đặc biệt: nước xanh trong thơm, vị đậm, ngọt man mác sau khi uống. Trên gói chè tết Thanh Hương khi xưa luôn có dòng chữ “Nước xanh, cánh nhỏ, hương thơm, vị đượm” bộc lộ những “phẩm chất” của chè.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, rồi sau ngày đất nước thống nhất 1975, ngành chè Việt Nam đã được phục hồi và phát triển nhanh. Các nông trường quốc doanh, hợp tác xã và vườn chè trên đất 5% đã sống lại. Hồi thời bao cấp khó khăn, sản phẩm chè đen là món hàng hóa đối lưu quan trọng của các hiệp định thương mại khối SEV. Những vùng chè lớn ra đời. Miền Bắc với Thái Nguyên, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang… Nhiều vùng đồi núi Trung Bộ trồng chè, phát triển nghề chế biến, sao, sấy chè. Ở miền Nam, vùng chè nổi tiếng Bảo Lộc, Lạc Dương có quy mô lớn nhất đất nước với khoảng 15.000ha. Thương hiệu trà B’Lao nổi tiếng từ năm 1939 thời thuộc Pháp. Đây cũng là vùng trà olong Đài Loan du nhập thuận lợi từ thập niên 90 thế kỷ trước, đã lên tới hơn 5.000ha, thành vùng trà olong tập trung lớn nhất nước. Năm 1992 Công ty Trà Đài Loan với sự kết nối của anh Toàn, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Cầu Tre (TP.HCM) và tôi, trang trại trà olong đầu tiên được đưa vào khu Sùng Đức, TP.Gia Nghĩa với cách nhân rộng lên từ các chậu cảnh chè olong bonsai, phương pháp ươm hom chè 1 lá. Gần đây tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ hội chè Thái Nguyên – Fetivan chè hằng năm. Đã có khá nhiều công ty, hợp tác xã hoặc cá nhân tạo dựng thương hiệu trà của mình, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài. Tất cả đều là tín hiệu vui cho cây chè, người trồng chè và ngành chè.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam và Bộ NN-PTNT, Việt Nam có tới 170 giống chè, cả nước hiện có 34 tỉnh trồng và chế biến chè/trà. Tập trung nhiều nhất ở vùng núi trung du phía bắc, chiếm 70% diện tích chè cả nước, khu vực Tây Nguyên 19%, còn lại là những vùng sinh thái khác… Tuy nhiên, so với lúc phát triển nhất thì tổng diện tích chè đã thu hẹp chỉ còn khoảng 123.000ha. Trong đó Thái Nguyên 22.300ha, Hà Giang 21.500ha, Phú Thọ 16.100ha, Lâm Đồng 10.800ha… Tổng sản lượng chè đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm. Năng suất chè búp tươi vẫn chỉ 9,5 tấn/ha/năm. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu chè đứng thứ 5 và sản xuất chè đứng thứ 7 thế giới. Có 74 nước nhập khẩu chè Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu chè mới chỉ đạt mức gần 135.000 tấn với kim ngạch 217,7 triệu USD. Con số chưa xứng với thực tế và tiềm năng.

Ngành chè, cây chè và người làm chè vẫn chưa giàu lên. Các cây trồng khác đang dần thay thế, lấn đất cây chè. Trong khi đó, nhiều nước, vùng lãnh thổ thành công với trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây chè. Ở Nhật, Đài Loan có nhiều vùng chè thâm canh hữu cơ, chè đặc sản, với khá nhiều loại sản phẩm từ lá, búp chè non. Uống trà đã được nâng lên thành trà đạo. Kem trà, bánh trà, lẩu chè, canh chè, kẹo trà, trà túi lọc… Nhiều hãng sản xuất trà túi lọc ở Anh, Ấn Độ, Mỹ, Nga có doanh thu hàng trăm triệu USD/năm, thậm chí cả tỉ.

Lợi thế và dư địa ngành chè còn quá lớn. Tiềm năng, tài nguyên nông sản chè chưa được chúng ta khai thác đúng mức. Có lẽ ta phải nhìn lại, cơ cấu lại toàn bộ chuỗi cung ứng cây chè Việt. Bằng việc xác định vai trò vị trí của cây chè. Coi lại giống, các biện pháp thâm canh chè sạch, chè hữu cơ, chè đặc sản… Tái cơ cấu giống cho các vùng chuyên canh, trong đó ưu tiên quan tâm tới chè olong, chè shan tuyết. Khâu chế biến tới nay vẫn chưa đủ yên tâm. Nắm bắt nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài với các “gu” uống chè khác nhau để có sản phẩm phù hợp. Từ sản phẩm mà tiếp nhận công nghệ, thiết bị tương thích. Phải đa dạng hóa sản phẩm. Phải có chiến lược marketing, PR cho chè, cho trà Việt. Phải xây dựng lại và làm mới các thương hiệu trà Việt. Tăng cường tuyên truyền tác dụng với sức khỏe và dược tính chữa bệnh của chè. Những việc hệ trọng ấy không chỉ của người làm chè, buôn bán chè mà của chính các cơ quan nhà nước, khoa học công nghệ, công thương, nông nghiệp và của cả giới truyền thông.

Phải xây dựng chương trình duy trì, phát triển ngành chè và khát vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tiến tới 1 tỉ USD trong thời gian trước mắt và tương lai. Thị trường trong nước chè cũng phải đạt doanh thu đáng kể. Để cây chè xứng đáng với lịch sử tồn tại phát triển nhiều thế kỷ của ngành chè Việt.

TS Nguyễn Văn Lạng – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Theo Nguyễn Văn Lạng

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây