Phúc Long chinh phục thị trường trà – cà phê Việt ra sao?

0
507

Sau khi được Masan mua lại, chuỗi bán lẻ trà – cà phê Phúc Long đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô và doanh thu.

Sau khi được Masan mua lại, chuỗi bán lẻ trà – cà phê Phúc Long đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô và doanh thu. Không chỉ chiếm ưu thế ở thị trường trong nước, Phúc Long còn đang đứng trước cơ hội đưa thương hiệu trà và cà phê của Việt Nam vươn ra thế giới.

Đưa thương hiệu trà – cà phê Việt vươn xa

Văn hóa thưởng thức café là thói quen lâu đời của người Việt. Ngoài ra, các thế hệ trẻ cũng yêu thích các loại trà – cà phê truyền thống, cũng như các loại trà sữa hay trà trái cây, trà túi lọc. Theo thống kê của Statista, quy mô thị trường trà tại Việt Nam có giá trị 3,1 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD vào năm 2025.

Điều này không chỉ thể hiện tiềm năng tăng trưởng của thị trường F&B Việt mà còn khiến cuộc chiến tranh giành thị phần của các thương hiệu cà phê trong nước và quốc tế ngày càng trở nên khốc liệt.

Thị trường F&B trong nước ngày càng sôi động với sự gia nhập của hàng loạt tên tuổi lớn du nhập như Starbucks (Mỹ), Gong Cha, The Alley (Đài Loan – Trung Quốc), Meet & More (Hàn Quốc). Năm 2017, là thời điểm ghi nhận tăng trưởng vượt trội của thị trường F&B, đặc biệt là ngành trà – cà phê, trà sữa với nhiều thương hiệu ngoại xuất hiện ở Việt Nam.

9 tháng năm 2022, Phúc Long đạt doanh thu 1.143 tỷ đồng. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, nhiều thương hiệu ngoại vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trong thị trường F&B Việt thì nhiều thương hiệu trong nước lại có sự tăng trưởng và trỗi dậy mạnh mẽ, đơn cử là Phúc Long.

Trước khi về với Masan, Phúc Long là thương hiệu trà và cà phê đình đám lâu đời nhưng lợi nhuận lại khá mỏng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm về với Masan, Phúc Long tăng trưởng mạnh với doanh thu đạt 1.143 tỷ đồng nhờ hoạt động hiệu quả của các cửa hàng flagship cùng các kiosk tích hợp. Qua đó, Phúc Long nhanh chóng trở thành chuỗi F&B giàu tiềm năng chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.

Đại diện Masan chia sẻ: “Tại Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long. Trong lĩnh vực trà, cà phê, đây là thương hiệu mạnh giống Starbucks. Với Phúc Long, có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.”

Sức bật từ tiềm lực của hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper bên ngoài cửa hàng Phúc Long. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS
Không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper bên ngoài cửa hàng Phúc Long. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Điểm đột phá của chuỗi trà – cà phê này chính là việc kinh doanh song song hai mô hình: Chuỗi cửa hàng flagship và các kiosk nhỏ gọn, tích hợp trong các cửa hàng đa tiện ích WIN và WinMart+ của Masan. Nhờ tận dụng tiềm lực từ hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ hàng đầu, Phúc Long đã nhanh chóng nhân rộng quy mô, đồng thời giảm thiểu chi phí.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2022 chưa soát xét của Tập đoàn Masan, các cửa hàng trà Phúc Long flagship đang đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của chuỗi F&B này.

Theo đó, Phúc Long Heritage, công ty sở hữu thương hiệu đồ uống Phúc Long đã đạt doanh thu 1.143 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ đồng/ngày. Lãi hệ số EBITDA gần 200 tỷ đồng. Cụ thể, các cửa hàng trà Phúc Long flagship đạt 761 tỷ đồng, chiếm khoảng 66% tổng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long Heritage.

So với kiosk tại các cửa hàng WinMart+, các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN đầu tiên có doanh thu mỗi ngày tăng 116%. Quý 4 năm 2022, Phúc Long Heritage sẽ tiếp tục kế hoạch cải thiện hiệu quả vận hành của kiosk bên trong cửa hàng WIN, đồng thời mở rộng quy mô mô hình này.

Phúc Long luôn thu hút các bạn trẻ. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS
Phúc Long luôn thu hút các bạn trẻ. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống flagship song song việc duy trì lợi nhuận. Trong quý 3, Phúc Long đã khai trương 15 cửa hàng flagship. Tính đến cuối tháng 9/2022, Phúc Long đã sở hữu 860 điểm bán bao gồm các kiosk được tích hợp vào hệ thống WinMart+, cửa hàng Win và cửa hàng flagship.

Phúc Long cũng thể hiện sự tăng trưởng bứt phá và tiềm năng trở thành chuỗi F&B chiếm lĩnh thị trường, sau thời gian gia nhập hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ của Masan. Ngược lại, Phúc Long cũng giúp hệ thống bán lẻ của Masan tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ, những khách hàng yêu thích thương hiệu đồ uống Phúc Long.

Mới đây, tại Diễn đàn M&A 2022, thương vụ The Sherpa (thành viên của Tập đoàn Masan) mua 85% cổ phần Phúc Long Heritage đã được vinh danh trong top 10 Thương vụ M&A tiêu biểu giai đoạn 2021 – 2022. Ngoài ra, Masan cũng được bình chọn là Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2021 – 2022.

Sức bật mạnh mẽ của Phúc long khi cộng hưởng với hệ sinh thái Masan cho thấy tiềm năng to lớn của chuỗi F&B trong tương lai. Đến cuối năm 2022, Masan dự kiến mở thêm 30 cửa hàng flagships và hàng loạt các kiosk tại cửa hàng WinMart+ và WIN. Phúc Long cũng sẽ liên tục đổi mới menu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời gia tăng giá trị cạnh tranh thương hiệu trên thị trường.

Với quy mô điểm bán tăng trưởng nhanh chóng, sức cộng hưởng với hệ sinh thái của “ông lớn” tiêu dùng – bán lẻ Masan và danh mục sản phẩm được giới trẻ yêu thích, Phúc Long đã sẵn sàng để vươn ra thế giới./.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây