Mạn đàm chuyện quảng bá văn hóa thưởng trà của người Việt

0
534

Nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn cho rằng câu chuyện phát triển du lịch gắn liền với văn hóa thưởng trà có những điểm khó khăn.

Là người đưa trà shan tuyết ra thị trường quốc tế, nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn nỗ lực không ngừng nghỉ để câu chuyện về trà Việt lan tỏa và nối dài thêm qua từng thế hệ.

Nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn (trái) thăm cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn (trái) thăm cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi. Ảnh: NVCC

Khi chén trà là đầu câu chuyện

Để làm ra thành phẩm trà shan tuyết 100% “made in Vietnam” đã là thách thức không nhỏ, câu chuyện quảng bá tới người Việt còn nhiều điểm khó hơn. Bởi, văn hóa uống trà của người Việt có những khác biệt.

Người Nhật Bản có trà đạo – nghệ thuật thưởng thức trà gắn liền với thiền, có trà thất (phòng uống trà), trà viên (sân vườn trà) với đầy đủ dụng cụ phức tạp phục vụ việc uống trà. Người chế biến trà và uống trà cũng trở thành “trà tượng”. Còn với người Trung Quốc, trà là một trong những xa xỉ phẩm khi giá lên đến 200.000 USD một kilogram. Thưởng trà là thú vui chỉ dành cho giới siêu giàu, từng bước pha trà phải chỉn chu.

Trong khi đó, người Việt không coi trọng hình thức khi thưởng trà. Việt Nam không chỉ có con đường trà, mà văn hóa uống trà phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt miền ngược, miền xuôi. Chén trà là đầu câu chuyện, những chuyện riêng tư khó nói cũng dễ mở lời hơn. “Uống với ai mới là quan trọng, người ta phải có bạn trà”, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn nhận định. “Niềm vui có trà, nỗi buồn cũng gắn với trà”.

Trà gần gũi trong văn hóa hàng ngày, thể hiện trọn vẹn tình cảm trân quý người Việt dành cho nhau. Ảnh: Nguyễn Cao Sơn
Trà gần gũi trong văn hóa hàng ngày, thể hiện trọn vẹn tình cảm trân quý người Việt dành cho nhau. Ảnh: Nguyễn Cao Sơn

Những thứ xoay quanh ấm trà như câu chuyện, bạn trà, không gian thưởng thức là yếu tố quan trọng gắn với câu chuyện quảng bá văn hóa trà. Những nơi nổi tiếng với thương hiệu chè cần phát triển hệ sinh thái để quảng bá cho cây chè, thay vì sản xuất đơn thuần. “Thủ phủ chè Thái Nguyên chưa có trung tâm thưởng trà mang dấu ấn riêng, Mộc Châu hay Đà Lạt cũng vậy”, ông Sơn nói.

Bản thân nghệ nhân trà này đang phát triển những hệ sinh thái để quảng bá cho trà Việt. Điển hình là homestay Maison Teahouse Bungalow ở Hà Giang, nơi du khách có thể tham quan xưởng sản xuất trà shan tuyết. Kế đến là không gian thưởng thức trà Maison De Thé Cao Sơn ở Mộc Châu (Sơn La).

“Câu chuyện quảng bá phải gắn với thiết kế không gian, bày trí ra sao cho phù hợp, cảnh đẹp hay hương vị trà theo mùa”, ông Cao Sơn nói.

Bởi, quang cảnh của một trồng trà thay đổi theo mùa, do đó câu chuyện đưa đến cho du khách cũng cần thay đổi linh hoạt. Ví dụ, câu chuyện về trà có thể gắn liền với phát triển du lịch. Những nương chè ở Mộc Châu cũng trồng những cây trà shan tuyết chừng 40 – 50 tuổi lấy giống từ cây cổ thụ vùng núi. Nhưng nương chè chỉ đẹp theo mùa, nhất là vào mùa xuân. Đến mùa hè, thu, đông câu chuyện quảng bá du lịch phải nhường cho mùa hoa mận nở, mùa hái mận, hoa cải…

Trà thất tại Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cao Sơn
Trà thất tại Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cao Sơn

Khơi mạch nguồn “di sản” trà Việt

Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn nhận định, quảng bá văn hóa trà Việt nên gắn với sử sách để nối mạch từ cổ chí kim. Riêng pha trà nên có ấm chén phù hợp, người xưa tùy vùng miền mà sử dụng những loại ấm chén đặc trưng. Ví dụ, người miền Bắc có ấm trà từ gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu; hay người am hiểu về trà ở xứ Huế không chỉ có một bộ đồ trà mà có đến bốn loại dành cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Ông Sơn gợi ý, từ một triển lãm riêng dụng cụ theo vùng miền, ấm chén cổ từ đời Lý, Trần… cũng có thể khơi gợi ra những câu chuyện thú vị để cộng đồng có thêm kiến thức, trải nghiệm về văn hóa thưởng trà của người Việt.

Nếu có thể khơi mạch nguồn “di sản”, câu chuyện thưởng trà của người Việt sẽ được ghi chép lại trong sử sách, lưu truyền cho thế hệ mai sau dù văn hóa thưởng trà không được tôn lên thành trà đạo, hay là trải nghiệm đắt đỏ hiếm có chỉ dành cho giới tinh hoa.

Nguồn: Lao Động

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây