Giữ bản sắc dân tộc từ cây trà Thái Nguyên

0
496

Nhận thấy đất đai quê hương bắt đầu bị bỏ phí cũng như nhiều vườn trà đã chuyển thành đất trồng cây lâu năm do không có người làm, chị Trang Lưu (SN 1997) đã quyết định thành lập doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị cây trà. Chị đã tạo ra những sản phẩm phong phú và bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc đang sống tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Từ nông trại của gia tộc

Dòng họ Lưu (dân tộc Nùng) có nguồn gốc từ vùng núi thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1943, vì tình hình chiến tranh nên điều kiện sống tại Cao Lộc không còn đáp ứng được cơm no áo ấm cho gia đình nên ông Lưu Viết Lan – một trong những người con của dòng họ – đã đi tìm vùng đất mới để canh tác và sinh sống. Khi ông đặt chân đến mảnh đất Vô Tranh chỉ có 12 hộ dân. Nhận thấy đây là một mảnh đất màu mỡ, thảm thực vật và động vật tự nhiên trù phú thích hợp để canh tác và sinh sống, ông đã trở lại quê nhà và đón hai người con trai đến mảnh đất này và bắt đầu khai hoang và canh tác.

Trang Lưu mong muốn bản sắc văn hoá các dân tộc cần được gìn giữ
Trang Lưu mong muốn bản sắc văn hoá các dân tộc cần được gìn giữ

Năm 1972, nhận thấy cây trà là một trong những loại cây có giá trị kinh tế, lại thích hợp phát triển trên đất bazan đỏ và khí hậu ôn hoà quanh năm nên gia đình ông quyết định trồng cây trà trên nhiều diện tích đất bãi, đất đồi, xen canh với trồng cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kể từ đó, dòng họ Lưu bắt đầu phát triển và có tiếng trong vùng như ngày nay bởi lối sống và kỹ năng phát triển nông nghiệp, lúc nào cũng ấm no bởi nguồn lương thực tự nuôi trồng. Tính đến nay, đã 80 năm, dòng họ Lưu đã canh tác trên mảnh đất này với ngành nông nghiệp trồng trà và phát triển thêm các ngành chăn nuôi khác.

Tuy nhiên, theo thời gian, những người trong dòng họ Lưu cũng như nhiều người dân ở Vô Tranh đã không duy trì được nghề truyền thống, nhiều vườn trà bị chuyển đổi thành đất trồng cây lâu năm, lớp trẻ bỏ trà đi làm công nhân cho các khu công nghiệp, khiến cho tài nguyên nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần nếu không có người dân lao động chăm sóc trong 10 -15 năm nữa. Chính vì vậy, vào năm 2021, chị Trang Lưu, một người con của dòng tộc họ Lưu đã đứng ra thành lập một nông trại trên mảnh đất này để phát triển truyền thống văn hoá gia đình, giữ lại những bản sắc dân tộc Nùng xưa đang ngày càng mai một.

Sứ mệnh với quê hương

Tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM và có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực báo chí, văn hoá và marketing, chị Trang Lưu bàn với gia đình, dòng họ thành lập công ty chuyên về sản xuất và chế biến các sản phẩm trong gia đình và lập nên thương hiệu Lưu Gia Farm chuyên bán các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc tự nhiên được nuôi trồng trong nông trại của gia đình.

Từ đó, những sản phẩm từ trà như: Bột trà xanh, các loại trà đặc trưng, trà túi lọc… được ra đời và khoác lên mình một thương hiệu mới. Đặc biệt, Lưu Gia Farm còn phát triển riêng loại bột trà xanh dành riêng cho làm đẹp GIL Tsubaki Face Mask được chế biến và sản xuất theo quy trình riêng dành riêng cho ngành làm đẹp có nhiều công dụng như: Làm sạch da, giúp giảm viêm, thâm do mụn bởi trong lá trà có hoạt chất có kháng viêm, làm se, giảm lượng dầu trên da, chống oxi hoá, chống lão hoá, dưỡng da trắng sáng mịn màng.

Các mặt hàng hiện có của Lưu Gia Farm như: Bột trà xanh, trà móc câu, trà tâm nõn, mật ong…
Các mặt hàng hiện có của Lưu Gia Farm như: Bột trà xanh, trà móc câu, trà tâm nõn, mật ong…

Ngoài ra, Lưu Gia Farm cũng có những sản phẩm như: Bánh ngải cứu truyền thống, bánh xu xê trà xanh, bánh dày, khô trâu, khô bò, rượu men lá… là những món ăn, loại rượu lâu đời còn lưu truyền đến ngày nay.

Chia sẻ về tâm huyết với Lưu Gia Farm, chị Trang Lưu cho biết: “Sau nhiều năm nghiên cứu về lợi thế địa lý, thế mạnh của quê hương, tôi nhận thấy đây là vùng nguyên đa dạng, đặc biệt là cây trà vốn dĩ được nhiều người biết đến. Nhắc đến Thái Nguyên người ta sẽ nghĩ ngay đến loại trà đặc trưng với vị hậu ngọt sâu, lưu luyến mỗi lần uống. Cần phát triển những thế mạnh này và định hướng người dân phát triển sản phẩm cũng như mở rộng thị trường. Bên cạnh, chúng tôi muốn gìn giữ các giá trị văn hoá các dân tộc ở mảnh đất này, vì nó là một nét đẹp mà chỉ có ở mảnh đất Việt Nam xinh đẹp mới có”.

Vì thế, vận dụng diện tích nông trại có sẵn của gia đình, kết hợp với hợp tác xã xóm Trung Thành 2, chị Trang Lưu đã mở rộng quy mô của Lưu Gia Farm, tạo nên diện tích đất trồng trà, hoa màu và cây ăn quả. Kết hợp quy hoạch xây dựng con đường hoa tạo cảnh quan dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN xã, tạo nên nguồn mật hoa dồi dào thích hợp để nuôi thêm ong mật. Ong sống nhờ phấn hoa trà, lúa, cây ăn quả và hoa dại tạo nên mật ong tự nhiên vô cùng thơm ngon, thượng hạng. Về lâu dài, sẽ phát triển thêm du lịch địa phương tại mảnh đất Vô Tranh – Phú Lương.

Một vườn ong trong Lưu Gia Farm
Một vườn ong trong Lưu Gia Farm

Quá trình khởi nghiệp gian nan, vất vả nhưng bằng niềm tin, kiến thức và sự ủng hộ từ quê hương, chị Trang Lưu cùng những đồng đội của mình, những người dân sống tại Vô Tranh sẽ quyết tâm nâng cao giá trị cây trà. Với mong muốn tạo ra công ăn việc làm, nâng cao đời sống và gìn giữ tất cả những truyền thống từ xa xưa.

Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây