Đi Tìm Hương Vị Vùng Cao Qua Chén Trà Shan Tuyết Cổ Thụ Hà Giang

0
2089

Trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang là đặc sản của vùng cao Tây Bắc, là thứ thức uống mang đậm hơi thở truyền thống, từ nguồn gốc đến cách chế biến đều pha lẫn chút gió, chút sương và cả hương khói bếp nhàn nhạt mà ngai ngái đặc trưng.

Vùng núi Hà Giang không chỉ nối danh bởi du lịch, bởi những bí ẩn khiến người ta tò mò muốn khai phá mà còn nổi danh với thứ thức uống có một không hai: trà shan tuyết .

Có nhiều vùng trồng được trà cổ thụ. Thái Nguyên có, Yên Bái có nhưng nói đến loại trà cổ thụ có hương vị đặc biệt, được giới thưởng trà đánh giá cao và từng được các vị lãnh đạo nhà nước lựa chọn làm thứ thức uống chính trong buổi tiệc trà thân mật với nước bạn láng giềng Trung Quốc thì phải kể đến trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang. Cái nắng, cái gió của vùng cao cùng với nguồn gốc đặc biệt và phương pháp chế biến “bất tuân chuẩn mực” đã làm nên sự khác biệt từ vẻ bề ngoài đến hương vị của loại trà này.

Cây trà cổ thụ sừng sững ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển
Cây trà cổ thụ sừng sững ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển

Người ta không nhớ nổi những cây trà cổ thụ này có từ bao giờ, chỉ nhớ rằng rất nhiều năm về trước khi quả đồi này, rừng cây này còn thưa thớt, giống trà shan lẫn vào những loại cây khác rồi mọc lên hoang dại, người dân lên núi, lên rừng thấy lạ lạ, mang về sơ chế thấy cái vị nó ngon, thấy đặc biệt rồi để lại luôn chứ không nhổ bỏ. Lâu dần, những cây trà cổ thụ vươn cao, có những cây cao gần 1000m, cành lá xum xuê, thân cây địa y mọc thành từng mảng, trắng xóa. Sau này, người dưới xuôi lên du lịch, đi chơi thấy cái vị trà ngon quá, lạ quá nên mua về dùng, nhu cầu tiêu thụ cao, bà con cũng thu hái và chế biến chuyên nghiệp hơn nhưng tuyệt nhiên vẫn không có sự can thiệp của bất cứ loại hóa chất nào. Cái ngon của trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang là nó giữ nguyên vị trà nguyên thủy bởi nếu có sâu bệnh thì bà con cũng dùng những loại thảo mộc khác nhau chế biến thành thuốc trừ sâu bọ chứ không sử dụng thuốc trừ sâu. Ngay cả quá trình chế biến, bà con cũng chỉ sử dụng các phương pháp thủ công, lá trà sau khi hái về sẽ được phơi cho ráo bớt nước rồi bỏ lên bếp lửa sao cho búp trà mềm tơi ra như cọng bún rồi tiến hành vò để tạo hình. Cứ sao, vò rồi lại sao liên tục như thế cho đến khi cánh trà khô giòn mới thôi.

Những búp chè cổ thụ
Những búp chè cổ thụ

Cái tên đầy thi vị “trà shan tuyết” ra đời là do lá của trà shan tuyết được phủ một lớp lông mao trắng, dày, nhìn xa như nhuốm một tầng sương. Khi chế biến xong trà shan vẫn giữ nguyên lớp mao trắng, cánh trà không bện chặt như trà mạn mà xốp và tơi. Nếu có duyên được thưởng thức trà shan tuyết cố thụ Hà Giang một lần sẽ thấy trong cái chát dịu của trà xanh, trong cái đậm đà của vị trà truyền thống còn như lẫn mùi khói bếp ngai ngái, hòa quyện với hương thơm man mác, ngòn ngọt của cây cỏ, tất cả taọ nên thứ thức uống đặc biệt không lẫn được với bất cứ loại trà nào khác.

Những cây trà cổ thụ ở Hà Giang hiện tại còn lại không nhiều, phần lớn do mối mọt, sâu bệnh, thiên tai…vv, những cây trà mới nhân giống thì chưa đủ độ”chín” nên không chỉ là thức uống đơn thuần mà trà cổ thụ Hà Giang còn là thứ sản vật cần được gìn giữ và bảo tồn.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây